Chăm sóc Sầu Riêng sau thu hoạch

Nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, Nông nghiệp Bội Thu đã đi đến rất nhiều vườn cây ăn trái từ miền Tây cho đến Tây Nguyên. Có lẽ Sầu Riêng là loại cây để lại thương nhớ nhiều nhất với Tin Cậy. Không phải vì Tin Cậy thích ăn sầu riêng đâu, mà vì Sầu Riêng trên đất quê hương mình thật sự rất tốt, giá trị kinh tế ngày càng cao, đã giúp nhiều bà con làm nông cải thiện đời sống kinh tế.

Tuy nhiên, sầu riêng cũng là một loại cây khá khó tính, đất đai khí hậu tốt ở mình thôi chưa đủ. Mà đòi hỏi nhà vườn phải có một lượng kiến thức và kinh nghiệm để có thể chăm tốt loại cây này, đặc biệt là khâu chăm sóc cây sau khi thu hoạch.

Đi đến nhiều nơi và gặp gỡ nhiều nhà vườn lão làng cùng lượng kiến thức cá nhân đã giúp Tin Cậy thấy được những yếu tố làm Sầu Riêng bị mất mùa sau những năm nặng quả và cách thức giúp cây phục hồi tốt hơn sau khi thu hoạch.

⇒ Vậy đâu là nguyên nhân làm cây chậm phục hồi? Cần phục hồi sầu riêng sau thu hoạch như thế nào là tốt nhất?

Nguyên nhân sầu riêng phục hồi kém sau thu hoạch

1. Để quả quá nhiều:

Những năm gần đây, sầu riêng được xem là loại cây ăn quả được ưa chuộng nhất bởi nhu cầu tiêu dùng lớn và giá thành ngày càng cao. Kéo theo đó là việc để cây mang quả quá nhiều để gia tăng năng suất vườn. Như đã biết, trong giai đoạn nuôi quả cây sẽ tập trung lấy dinh dưỡng tích tụ ở lá, thân và cành, một phần khác được hút trực tiếp từ đất để giúp cây nuôi quả, tạo cơm. Vậy nên khi để quá nhiều quả trên cây sẽ làm cây suy kiệt nhanh chóng sau mỗi mùa thu hoạch.

2. Lạm dụng các phương pháp xử lý ra hoa:

Sầu riêng rất nhạy cảm với thời tiết và để cây ra hoa tự nhiên thường không cho hiệu quả kinh tế cao, hoa ra không tập trung. Các phương pháp xử lý ra hoa hiện nay chủ yếu làm ức chế sinh trưởng cây như xiết nước tạo khô cằn, sử dụng Paclobutrazol gây ức chế sinh trưởng và Thio Urê nồng độ cao gây rụng lá.

Các phương pháp này được dùng chưa đúng như xiết nước kéo dài khi gặp điều kiện mưa làm tăng ẩm độ hay dùng Paclobutrazol nhiều lần với liệu lượng cao, đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phục hồi và sức đề kháng của cây.

3. Để quả sai trong những năm đầu thu hoạch:

Nhiều nông dân còn gặp phải 2 sai lầm trong những năm đầu tiên để quả. Thứ nhất là khi cho rằng cứ sau một năm cây ra hoa là có thể để quả bối mà quên mất trạng cây mình như thế nào. Điều này hoàn toàn không đúng vì thời điểm mang quả sẽ phụ thuộc vào thể trạng của cây như đường kính thân đạt khoảng 4 ngón tay, bộ tán xanh mượt, không bị sâu bệnh, kích thước lá to và dày,…chứ không quan trọng là cây được mấy năm.

Thứ hai là cây để nhiều quả ngay lần đầu, quả sẽ hấp thụ toàn bộ dinh dưỡng mà cây con đang có, làm cây mất sức và khả năng phục hồi cây kém.

4. Cắt tỉa cành không đúng phương pháp:

Việc cắt tỉa cành không đúng phương pháp cũng làm thất thoát lượng đáng kể chất dinh dưỡng cây hút từ đất và tạo ra từ quang hợp. Những chất này mất đi do việc nuôi những cành vượt hay còn gọi cành xương cá, vốn to và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn cành mang quả. Nhưng hiệu quả về mặt năng suất thì lại rất kém. Ngoài ra, những cành sâu bệnh tấn công nặng, cành tong teo ốm yếu cũng cần được cắt tỉa.

Cành vượt hút nhiều dinh dưỡng nên to hơn cành quả và cho hiệu quả kém
Cành vượt hút nhiều dinh dưỡng nên to hơn cành quả và cho hiệu quả kém

5. Đợi thu hoạch hết vườn mới bắt đầu phục hồi:

Hiện nay, đa số người dân có khuynh hướng chia làm nhiều đợt để thu hoạch. Ngoài yếu tố các hộ thường trồng nhiều loại sầu riêng trên một vườn và cây chia ra làm nhiều đợt thu hoạch thì việc thiếu lực lượng lao động cũng ảnh hưởng đến thời gian thu hoạch. Mà nhiều bà con mình thường đợi khi thu hoạch xong hết thì mới cải tạo luôn cho cả vườn.

Điều này thật sự không tốt cho những cây thu hoạch trước, vì sau thu cây thường rất yếu, dễ rụng lá và sâu bệnh hại tấn công; làm chậm quá trình phục hồi và tệ hơn là cây không duy trì được sự sống. Vậy nên cứ sau khi thu hoạch thì cây cần được tiến hành xử lý ngay.